Cơ chế nào cho việc đầu tư, thay mới hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED?
Nếu thực hiện LED hóa chiếu sáng trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và công cộng, Việt Nam sẽ không cần xây thêm 14 nhà máy nhiệt điện có công suất 1.000 MW (đến năm 2030), tiết kiệm hàng chục tỉ USD. Trong khi đó, chính quyền các tỉnh, thành có thể giảm chi cả ngàn tỉ đồng tiền điện chiếu sáng công cộng hàng năm…
Đó là nhận định, đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, chiếu sáng về lợi ích của việc áp dụng đèn LED. Thế nhưng, thực trạng việc áp dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng (CSCC) ở các đô thị Việt Nam đang dừng ở con số vài tuyến đường, vài trăm bộ đèn LED…
Hà Nội sẽ quyết liệt với quyết sách đi đầu?
Mặc dù UBND TP Hà Nội vừa có một quyết định táo bạo trong việc sử dụng đèn LED chiếu sáng công cộng (CSCC), nhưng với việc triển khai ở các dự án cải tạo, xây mới, dần thay thế các loại đèn truyền thống… thành phố sẽ phải mất hàng chục năm để có thể đạt tới lợi ích mà công nghệ LED đem lại là giảm 50 – 60% điện năng tiêu thụ trong CSCC, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng tiền điện ngân sách/năm.
Theo Công ty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico), tính đến này 1/1/2016, công ty này đang quản lý 1.554 trạm đèn chiếu sáng với 128.451 bóng các loại, chiếu sáng cho 3.278 km đường trên địa bàn của 12 quận và 10 huyện của TP Hà Nội.
Là một công ty được thành phố giao quản lý hệ thống chiếu sáng, Hapulico nhìn nhận rất khó khăn khi chuyển đổi các loại đèn truyền thống sang sử dụng đèn LED vừa tiết kiệm năng lượng vừa bảo vệ môi trường.
Việc chuyển đổi đèn truyền thống sang sử dụng đèn LED nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường được Hapulico nhìn nhận rất khó khăn – Ảnh: Thành Trung. |
Tại hội thảo bàn tròn “Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng – Thực trạng và giải pháp” do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Hapulico cho biết: Hiện nay, hệ thống đèn LED dùng cho CSCC chỉ chiếm khoảng 5%. Sử dụng đèn LED cho CSCC sẽ tiết kiệm được điện năng tiêu thụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách Nhà nước cho vấn đề chi trả tiền điện, ngành điện bớt được nỗi lo thiếu điện trong mùa khô.
Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội đang dự kiến kêu gọi đầu tư đèn LED cho CSCC bằng hình thức xã hội hóa theo mô hình ESCO, đó là việc các công ty đầu tư công trình CSCC bằng LED sẽ đề xuất các giải pháp kỹ thuật, cam kết hiệu quả tiết kiệm năng lượng với chính quyền thành phố. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc sẽ chia sẻ khoản lợi nhuận từ việc tiết kiệm điện mà dự án mang lại (so với việc dùng hệ thống chiếu sáng cũ) trong khoảng thời gian nhất định với chính quyền thành phố.
Mô hình này các nước đã thực hiện và mang lại hiệu quả, nhưng theo ông Tuấn rất khó thực hiện vì giá thành điện của Việt Nam cho CSCC quá thấp, thời gian thu hồi từ tiền tiết kiệm điện cùng với cơ chế quản lý chồng chéo, trong khi tiền đầu tư cho LED cao, các công ty khó thu hồi vốn, không khuyến khích được họ đầu tư. Để thực hiện cần có cơ chế thống nhất giữa các cơ sở ban, ngành của thành phố và Bộ Tài chính để thu hồi vốn.
Tiết kiệm 33 tỉ USD và môi trường sạch
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng công suất nhiệt điện đốt than khoảng 36.000 MW, tương đương với công suất lắp đặt của 36 nhà máy nhiệt điện, với số tiền phải bỏ ra đầu tư khoảng 80 tỉ USD. Đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện đốt than khoảng 75.000 MW, tương đương với công suất lắp đặt của 75 nhà máy nhiệt điện, với số vốn đầu tư xây dựng khoảng 170 tỉ USD.
Theo các tính toán của các chuyên gia, nếu áp dụng LED hóa trong lĩnh các lĩnh vực chiếu sáng dân dụng, chiếu sáng công nghiệp và CSCC, cầu về điện năng sẽ giảm (giảm 5.962 tỉ kWh chiếu sáng dân sinh, 5 tỉ kWh công nghiệp và 3 tỉ kWh CSCC) dẫn đến có thể giảm nguồn cung tương đương với việc không cần xây thêm 14 nhà máy nhiệt điện than, tiết kiệm 33 tỉ USD đầu tư xây dựng.
Lợi ích là vậy nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, mặc dù tính đến 2015, nhiều chỉ tiêu đặt ra tại định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam theo Quyết định 1874/QĐ – TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành.
Các công trình giao thông, công trình công cộng, đường phố chính được chiếu sáng bằng các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm điện nhưng việc sử dụng nguồn sáng LED trong CSCC hiện nay mới bắt đầu.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, sau Nghị định 79/2009/NĐ – CP ngày 28/09/2009 về quản lý chiếu sáng đô thị, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các Luật, Nghị định, Thông tư và các tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến quản lý, trong đó có CSCC. Những văn bản này đã góp phần định hướng, quản lý thúc đẩy, hỗ trợ ngành chiếu sáng phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, có nhiều vướng mắc khó khăn đã bộc lộ. Nếu không có những biện pháp tháo gỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành chiếu sáng.
Theo: Báo Gia đình & Xã hội